Nhìn bề ngoài, Canon PowerShot G9 không khác là bao so với bậc tiền bối của nó, model G7 ra đời cách đây 1 năm. Những điểm khác biệt đáng kể nhất về ngoại hình giữa hai đời máy là kính ngắm quang của chiếc G9 này có kích thước nhỏ hơn, nhưng bù lại, màn hình LCD của nó lại có đường chéo lên tới 3 inch (so với chỉ 2,5 inch của G7). Thêm vào đó, vòng tròn bao quanh ống kính cùng các nút bấm của model mới này cũng đã được chuyển hết sang tông màu đen (của G7 là màu bạc).
G9 được thừa hưởng từ bậc tiền bối chiếc ống kính có dải tiêu cự 35 - 210 mm, khẩu độ f2,8 - f4,8, zoom quang 6x, với sự hỗ trợ của hệ thống ổn định ảnh quang. Đi kèm với đó là bộ vi xử lý ảnh Digic III cũng giống như của đời trước. Nói chung, so với G7, sự khác biệt lớn nhất về phần cứng của chiếc máy mới này chỉ là việc cảm biến ảnh 1/1,8 inch, độ phân giải 10 Megapixel đã được thay bằng cảm biến 1/1,7 inch, độ phân giải 12 Megapixel. Cùng với đó, G9 cũng hỗ trợ định dạng ảnh RAW, trong khi mẫu máy cũ thì không.
Canon PowerShot G9 có ngoại hình, tính năng và tốc độ hoạt động không khác người tiền nhiệm G7 của mình là mấy, nhưng model mới này được đánh giá cao hơn ở chất lượng ảnh và khả năng hỗ trợ định dạng ảnh RAW.
Thiết kế
Ở bề mặt phía trên và mặt sau của máy, trừ những phần không gian dành cho màn hình và kính ngắm, khoảng trống còn lại gần như bị choán hết bởi các phím điều chỉnh, khiến cho phần dành cho tay cầm bị hạn chế tới mức tối thiểu. Những ai có ngón tay to hẳn sẽ gặp khó nếu vừa muốn cầm máy thật chắc, lại vừa phải để ý làm sao cho các ngón tay của mình không vô tình bấm nhầm vào một nút nào đó. Thêm vào đó, nút bấm chụp và nút chỉnh zoom ở chiếc máy ảnh này cũng được thiết kế hơi bé.
Dù cho giao diện người dùng và những chỉ dẫn của G9 đều được thiết kế khá trực quan, thống nhất và dễ hiểu, nhưng đôi lúc người dùng vẫn có thể sẽ cảm thấy bối rối với hệ thống phần mềm của chiếc máy này. Ví dụ, chế độ quay phim độ phân giải cao (1.024 x 768 pixel, tốc độ 15 khung hình/giây) không phải được xếp trong danh mục của nút Func như thường lệ, mà nó lại được bố trí như một chế độ quay phim riêng biệt. Người dùng nếu muốn chọn chế độ này sẽ phải xoay bánh xe scroll wheel qua các chế độ Color Accent, Color Swap, Time Lapse, Compact và Standard mới có thể tìm thấy. Đây là một điều khá bất tiện với những người chụp không chuyên.
Tính năng
Giống như bậc tiền bối G7, G9 cũng cung cấp cho người dùng đầy đủ các tính năng chỉnh tay độ phơi sáng, tiêu cự và một số những điều chỉnh khác. Đây là điều luôn khiến những tay máy nghiệp dư nhưng đã có chút ít kinh nghiệm cảm thấy hài lòng.
Chiếc máy ảnh mới của Canon được trang bị một chiếc đồng hồ để đo thời gian phơi sáng và có khả năng phân tách rõ ràng những khu vực lấy nét cho người dùng lựa chọn. Người chụp cũng có thể tự mình cài đặt tính năng ổn định ảnh cho hai chế độ chụp liên tiếp và chụp lần lượt. Độ nhạy sáng tối đa của máy là ISO 1.600, nhưng có thể tăng lên mức ISO 3.200 trong chế độ High. G9 cũng có khả năng chú thích bằng giọng nói và hỗ trợ đèn flash ngoài thông qua hot shoe nằm ở mặt trên của máy.
Hoạt động
Khả năng hoạt động của G9 tương đương với của G7. Khoảng thời gian từ khi khởi động cho tới khi chụp được bức ảnh đầu tiên của máy khá nhanh, chỉ mất 1,7 giây, so với mức 1,5 giây của G7. Trong điều kiện nhiều ánh sáng, tốc độ trập của máy chỉ là 0,5 giây. Còn nếu ánh sáng lờ mờ, tốc độ trập tăng lên mức 1 giây.
Chiếc máy ảnh này có tốc độ chụp trung bình 2 giây/bức ảnh, với điều kiện không sử dụng đèn flash. Còn nếu bật flash, khoảng thời gian chờ giữa hai lần chụp tăng lên mức 2,3 giây. Trong chế độ chụp liên tiếp, mỗi lần G9 chỉ có thể chụp được từ 17 đến 19 bức ảnh, giảm đáng kể so với mức 36 bức ảnh/lần chụp của G7, nhưng tốc độ lại nhanh hơn, đạt mức 2,3 khung hình/giây với những bức ảnh có độ phân giải thấp, và 1,7 khung hình/giây ở độ phân giải thông thường.
Chất lượng ảnh
Chiếc màn hình LCD 3 inch của G9 có khi ngắm dưới ánh sáng mặt trời cho hiệu quả cao, với góc nhìn khá rộng. Tuy nhiên, khi xem lại ảnh qua màn hình, các bức ảnh hiển thị không sắc nét, xuất hiện nhiều điểm nổi bật hơn so với thực tế, khiến người dùng thường phải xem lại ảnh ở màn hình máy tính trước khi quyết định có xóa đi hay không. Mặc dù khi so với những mẫu máy compact khác, kính ngắm của G9 cũng không đến nỗi nào, nhưng nhiều người vẫn thích màn hình LCD nhỏ hơn nhưng kính ngắm quang lớn hơn giống như của G7. Bên cạnh đó, dù có khả năng quay phim rất tốt khi không hỗ trợ zoom xa, nhưng tính năng này ở G9 cũng không được đánh giá cao.
Do G9 được trang bị ống kính giống như của G7 nên việc xuất hiện những méo dạng trong những bức ảnh chụp được cũng không có gì quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, có lẽ Canon cũng đã có một chút tác động lên bộ xử lý ảnh, nên mới khiến cho những bức ảnh chụp bởi G9 xuất hiện ít ảnh giả hơn so với G7. Người chụp cũng không khó để nhận ra chiếc máy ảnh mới này đã kiểm soát nhiễu tốt hơn rất nhiều, khi ở ISO 400, ảnh vẫn rất đẹp, với nhiều chi tiết. Như thường lệ, hệ thống cân bằng trắng và chỉnh phơi sáng của máy ảnh Canon vẫn hoạt động rất hiệu quả. Màu sắc trong các bức ảnh đạt độ trung hòa màu rất cao, không bao giờ vượt quá ngưỡng cho phép.
Mặc dù vẫn có những méo dạng hình răng cưa, nhưng nhìn chung ống kính của G9 cho bức ảnh độ sắc nét rất cao. Có rất ít những tua diềm màu tía xuất hiện, dẫu cho những quang sai màu đỏ tươi và màu lục lam vẫn còn đó.
Tóm lại, Canon PowerShot G9 được đánh giá cao hơn người tiền nhiệm trong việc cải thiện chất lượng ảnh và hỗ trợ định dạng ảnh RAW, trong khi vẫn duy trì tốc độ hoạt động cao và thiết kế bắt mắt. Đây có thể được xem là một sự lựa chọn sáng giá cho những ai đang tìm mua một chiếc máy ảnh compact để hỗ trợ cho chiếc D-SLR hiện có của mình.