Canon 600D
Cũng giống như EOS 550D, khung máy của Canon 600D được làm bằng thép không gỉ và vỏ nhựa polycarbonate, thiết kế không có nhiều sự thay đổi. So với 550D, việc đưa vào máy ảnh 600D tính năng điều khiển đèn flash không dây và kế thừa màn hình xoay đa góc của dòng máy 60D trước đó, là hai sự khác biệt lớn nhất. Ngoài ra, một điểm khác biệt nữa có thể nhận ra là nút quay chế độ được đưa lên cao để xoay một cách dễ dàng. Kết cấu xung quanh bề mặt nút giúp tiếp xúc với ngón tay bám chặt hơn.
Màn hình LCD của EOS 600D giống với EOS 60D, có độ lớn 3-inch, độ phân giải 1.040.000 pixel. EOS 600D cũng là máy ảnh EOS thứ hai sau 60D có màn hình xoay lật được và Canon đã cho người dùng cảm giác về một sự hoàn hảo bởi khả năng xoay lật linh hoạt hơn cả các loại màn hình xoay lật của Sony và Nikon.
Các nút điều chỉnh được chuyển hết qua khu vực bên phải màn hình LCD, nơi thuận tiện để thao tác với ngón cái tay phải. Không gian của khu vực bên phải này hơi hẹp, sử dụng không thoải mái đối với những người có bàn tay to, ngón tay dài.
Hệ thống các nút điều khiển được làm tách biệt. Hai phím Menu và Info thay vì đặt ở bên phải như những đời trước thì giờ di chuyển sang bên trái, phía trên màn hình hiển thị. Việc điều chỉnh này có thể khiến người dùng hơi bỡ ngỡ thời gian đầu, nhưng chúng khá thuận tiện khi cần điều chỉnh thông số menu cũng như xem thông tin về thiết lập. Nút hiển thị DISP đã di chuyển đến bên cạnh nút ISO nằm phía trên đỉnh máy. Hình dạng của một số nút và khu vực ngón tay cái tay nắm phía sau cũng đã thay đổi một chút để cho phép màn hình LCD được kéo ra.
Phần bánh xe điều chỉnh chế độ chụp nằm phía trên đỉnh máy của EOS 600D có rất nhiều chữ cái và biểu tượng. Canon gọi khu vực này là Creative Zone nơi bạn sẽ thấy các chế độ chụp như Programmed Auto (P), ưu tiên màn trập (Tv), ưu tiên khẩu độ (Av), Manual (M) và chế độ A-DEP. Bốn chế độ đầu hẳn không cần giải thích, nhưng A-DEP có thể là mới đối với những người chưa dùng máy ảnh DSLR của Canon bao giờ. Đó là viết tắt của Automatic Depth of Field, tức độ sâu trường ảnh tự động, máy ảnh sẽ tự chọn một khẩu độ f-stop cho phép tất cả các đối tượng nằm trong vùng lấy nét AF 9 điểm được thể hiện thật sắc nét, đồng thời tính toán và đưa ra tốc độ màn trập phù hợp.
Chế độ Scene Intelligent Auto đã thay thế cho chế độ Full Auto trên EOS 550D, có khả năng phân tích cảnh đang chụp và tự động chọn các thiết lập tốt nhất, giống như các hệ thống đang được sử dụng bởi rất nhiều máy ảnh số compact. Máy cũng tỏ ra thân thiện với người dùng hơn, khi 600D cung cấp một số bộ lọc sáng tạo thường thấy trên các máy ảnh compact của Canon như: Soft Focus, Grainy Black and White, Toy Camera, Miniature Effect…
Người sử dụng cũng chủ động hơn để điều chỉnh tăng giảm độ sáng trong khi chụp Canon đã tạo một nút chức năng được tách riêng đưa vào khu vực bên phải.
Các nút điều chỉnh hẹn giờ, cân bằng trắng, tự động tập trung (auto focus) được đưa ra ngoài điều chỉnh dễ dàng.
Tính năng
EOS 600D mang bộ cảm biến và bộ vi xử lý tương tự như trên máy 550D.
Cảm biến APS-C CMOS 18.7 Mp xuất ra ảnh lên tới 18MP, trong khi xử lý DIGIC 4 có thể chụp lên đến 34 hình ảnh JPEG, 6 hình ảnh thô (RAW), hoặc 4 ảnh chụp đồng thời RAW và JPEG.
Độ nhạy sáng ISO chạy từ 100-6400 và có thể mở rộng đến ISO 12.800, máy có khả năng khử nhiễu tốt.
Màn hình LCD 3 inch có độ phân giải 1.040.000 điểm ảnh tương tự như Canon 60D, cho hình ảnh sắc nét với lớp phủ chống phản chiếu. Tuy nhiên màn hình không có cảm biến ánh sáng xung quanh nên xem ảnh có cảm giác sáng nét hơn so với thực tế.
Chức năng quay video HD không thay đổi nhiều so với 550D, chế độ ghi full HD (1920 x 1080) đạt 24, 25 và 30 khung hình/giây, và chế độ ghi HD 720p đạt 50 đến 60 khung hình/giây. Máy còn có thêm một chế độ quay phim mới gọi là Movie Snapshot, trong đó máy ảnh sẽ quay phim thành những đoạn 2 giây, 4 giây, 8 giây và sau đó ghép các đoạn này thành một clip.
Các chế độ chụp ảnh tĩnh bao gồm Sandard, Portrait, Landscape, Neutral, Faithful và Monochrome, cùng một chế độ Auto mới cho phép máy ảnh tự quyết định các thông số trước khi chụp, và ba chế độ tùy chỉnh dành cho người sử dụng.
Ngoài các bộ lọc sáng tạo đã đề cập ở trên, EOS 600D còn kế thừa từ đàn anh 60D một hệ thống đánh giá hình ảnh, nghĩa là mỗi bức ảnh bạn chụp đều có thể được gắn một số "sao", cho phép bạn dễ dàng nhớ lại từng bức ảnh được chụp như thế nào.
So với Canon 550D, 600D được bổ sung thêm chế độ flash không dây, người dùng có thể tùy chọn đồng bộ với máy để bù sáng hoặc tùy chỉnh phù hợp với mục đích sử dụng.
Chức năng lấy nét tự động gồm 9 điểm theo kiểu cross-type có khả năng nhanh chóng lấy nét vào đối tượng cần chụp.
Chế độ xem sống Live View rất hữu ích khi kết hợp với một màn hình LCD xoay lật linh hoạt, và nhờ có các Creative Filters và Picture Styles, máy có thể để đạt hầu như mọi hiệu ứng và góc chụp mong muốn. Lưu ý, khi sử dụng Live View người sử dụng cần chờ thêm khoảng 1 giây để quá trình đóng mở gương lật diễn ra.
Hiệu năng
Thử nghiệm chụp hình với thẻ nhớ SDHC class 10, máy chụp được trung bình khoảng 19 ảnh JPEG chất lượng cao và chỉ được 6 ảnh thô (RAW) với chế độ chụp liên tục. Chỉ có khoảng 6 hoặc 7 ảnh RAW và JPEG được chụp với tốc độ 1 ảnh mỗi giây, trước khi máy ảnh ngừng chụp các ảnh tiếp theo. Tốc độ đáng thất vọng này là do máy ghi lại ảnh với một dung lượng cực lớn, các ảnh JPEG có dung lượng lên tới 50 MB, còn các ảnh TIFF chuyển đổi từ file RAW có dung lượng gấp đôi. Vấn đề là không có tùy chọn nào cho phép máy chụp với tốc độ cao hơn và độ phân giải thấp hơn, trong khi không cần thiết phải có những file ảnh lớn tới như vậy.
Chức năng quay phim và phát lại phim tương đối tốt. Âm thanh chất lượng đủ để nghe nhưng không phải là quá đặc biệt, máy có hỗ trợ một khe cắm microphone bên hông nếu bạn muốn cải thiện điều này.
Hệ thống đo sáng iFCL của máy làm việc rất tốt, đặc biệt là để cân bằng tối và có khả năng ưu tiên vào đối tượng người sử dụng muốn tập trung khi chụp.
Độ nhiễu ảnh bắt đầu xuất hiện từ khoảng ISO 800 và tăng dần đều đặn. ISO tối đa mà máy có thể đạt tới là 12.800. Khả năng kiểm soát độ nhiễu ảnh tốt để loại bỏ nhiễu ở các vùng ảnh tối hơn.
Kiểm tra độ nhiễu ảnh: thiết lập ISO lần lượt từ 100 đến 12.800 và chụp với hai định dạng file ảnh là JPEG và RAW. Nhiễu bắt đầu xuất hiện nhẹ ở ISO 1600 và nặng hơn ở ISO 3200, tuy vậy vẫn chấp nhận được. Ở ISO 6400, nhiễu khá nhiều nhưng ảnh có thể vẫn sử dụng được nếu không cần phóng to.